Chiến lược phát triển "tứ sơn" của Thanh Hóa
Trong chiến lược phát triển bền vững, Thanh Hóa chủ trương xây dựng bốn trung tâm kinh tế động lực (tứ Sơn) làm nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế - xã hội, bao gồm: trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Hà Trung - Bỉm Sơn), trung tâm động lực phía Nam (khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).
Đô thị 1567 Hà Trung, dự án đô thị tại cực động lực phía Bắc Thanh Hóa.
Trung tâm động lực kinh tế "tứ Sơn" phía Bắc đang chuyển mình
Trong chiến lược phát triển "tứ Sơn" của Thanh Hóa, trung tâm động lực kinh tế phía Bắc có lợi thế về giao thông, địa chính trị khi toàn bộ khu vực bám dọc quốc lộ 1A. Theo quy hoạch mới, khu vực kinh tế này được hưởng lợi từ hai dự án là tuyến cao tốc đường bộ Bắc Nam và tuyến cao tốc đường sắt Bắc Nam. Đây sẽ là cửa ngõ kết nối giao thương quan trọng giữa Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Theo đó, trung tâm động lực kinh tế phía Bắc được tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo, chế biến nông - lâm sản , dược phẩm, da giày, dịch vụ, du lịch.
Quy hoạch đô thị tại cực "tứ Sơn" phía Bắc Thanh Hóa.
Ngày 8/2/2018, Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kết luận về việc "nhiệm vụ lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung và mở rộng thị xã Bỉm Sơn".
Trung tâm động lực kinh tế "tứ Sơn" phía Bắc Thanh Hóa được định hướng quy hoạch lên thành phố với phạm vi địa giới bao gồm: toàn bộ huyện Hà Trung và toàn bộ thị xã Bỉm Sơn. Mục tiêu xây dựng "thành phố công nghiệp và du lịch" trước năm 2025 với quy mô dân số: năm 2025 là 250.000 người, đến năm 2030 là 300.000 người, nhằm khai thác nguồn lực công nghiệp và tiềm năng lớn về du lịch khi toàn bộ khu vực có 16 di tích cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh.
Trong đó thị trấn Hà Trung trở thành trung tâm hành chính - văn hóa, thể thao của thành phố; thị xã Bỉm Sơn và các vùng phụ cận đẩy mạnh khai thác công nghiệp, nhằm phát triển cực phía Bắc đầy tiềm năng của Thanh Hóa. Các khu đô thị tại đây như Đô thị Hà Trung, Hà Lĩnh, Hà Long và thị xã Bỉm Sơn đang phát triển và có xu hướng liên kết thành một đô thị lớn.
Trong tương lai gần, cực "tứ sơn" phía Bắc Thanh Hóa hứa hẹn sẽ trở thành cực phát triển quan trọng ở Thanh Hóa, đóng vai trò là cầu nối giữa Thanh Hóa và khu vực các tỉnh phía Bắc.
Dự báo bước phát triển của bất động sản
Huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn đang thực hiện đồng bộ các hạng mục quy hoạch, các công trình lớn nhằm hiện thực hóa, kịp tiến độ trong lộ trình trở thành thành phố tại cực "tứ Sơn" phía Bắc Thanh Hóa. Trong đó, huyện Hà Trung đang từng bước triển khai hoàn thành quy hoạch các đô thị trung tâm, đáp ứng vai trò là trung tâm hành chính, văn hóa, thể thao khi thành phố được hình thành. Bất động tại khu vực trung tâm huyện Hà Trung được dự báo sẽ có bước phát triển trong thời gian sắp tới, đặc biệt là các mặt bằng dự án được quy hoạch mới, cạnh các khu hành chính sự nghiệp.
Những mặt bằng có vị trí đắc địa, được quy hoạch chiến lược theo định hướng phát triển lên thành phố được các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao. Bởi trong giai đoạn đầu phát triển, đó là những dự án đòn bẩy, mang giá trị cao về chiến lược và dư địa tăng trưởng lâu dài.
Bất động sản tại lõi của trung tâm thị trấn Hà Trung đang có sức hút lớn. Tại dự án mặt bằng quy hoạch 1567 thị trấn Hà Trung, được UBND huyện tổ chức đấu giá ngày 15/10/2021 đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đấu giá. Đây là dự án nằm trong trung tâm khu vực hành chính huyện Hà Trung, được quy hoạch quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng vai trò là đô thị trung tâm khi thành phố được hình thành. Với quy mô sân vận động tại dự án lên đến 9,8ha, sử dụng để tổ chức các hoạt động thể thao lớn của tỉnh, đó là điểm nhấn đối với bất động sản tại đây, kỳ vọng đánh thức tiềm năng tại khu vực.
Chuyên gia dự báo, bất động sản tại khu vực "tứ Sơn" phía Bắc Thanh Hóa hứa hẹn có bước nhảy vọt trong một đến hai năm tới. Hiện các dự án đô thị và công nghiệp tại đây đang gấp rút triển khai, theo kịp định hướng phát triển lên thành phố, đồng thời đón lợi thế về giao thông, khi hai dự án lớn là tuyến cao tốc đường bộ Bắc Nam và tuyến cao tốc đường sắt Bắc Nam hoàn thành.
Nguồn: Dân Trí