12
09/2022

Thị trường Bất Động Sản sẽ phục hồi sau điều chỉnh Room tín dụng

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng thì nhiều chuyên gia cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và tái phát triển.

Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; … Mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%, trong đó có hai ngân hàng được nới room hơn 3%.

Thông tin này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản. Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.

Việc nới room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản sẽ giúp thị trường phục hồi và tái phát triển.

Đồng quan điểm ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, việc nới room tín dụng là thông tin rất tích cực đối với sự phát triển của thị trường.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi khi Ngân hàng Nhà nước quyết định “nới room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại để “bơm” thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.

Ông Châu kỳ vọng, với việc nới room này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trong thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn để triển khai dự án bất động sản, việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Qua đó, thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn cung, người mua nhà cũng có thêm cơ hội sở hữu bất động sản. Đây sẽ là tín hiệu rất tích cực giúp thị trường phục hồi và phát triển sau giai đoạn trầm lắng từ đầu năm 2022.

Cũng theo vị chuyên gia này, sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng “room” tín dụng cả năm 2022 thêm 1-2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16%) thì sẽ có thêm trên dưới 200.000 tỷ đồng nữa đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để xem xét nâng “room” tín dụng năm 2022 lên thêm 1-2% nữa do nước ta cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, xuất siêu và có dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, được các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất uy tín là Moody’s Investors Service vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định cũng vào ngày 06/09/2022 và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự cũng vừa dự báo nâng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7% cao hơn mục tiêu được Quốc hội đặt ra là từ 6-6,5%.

 

Các tin tức khác